1900 6665

“CƠM SÔI NHỎ LỬA CHẲNG ĐỜI NÀO KHÊ”

“CƠM SÔI NHỎ LỬA CHẲNG ĐỜI NÀO KHÊ”

Đời sống vợ chồng không thể tránh khỏi những xích mích, cãi vã. Tuy nhiên phải biết dĩ hòa vi quý, bao dung cho nhau, bình đẳng và tôn trọng để cùng giúp nhau hoàn thiện. Nếu cả hai giữ cái tôi quá lớn có thể khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

Chị tôi kết hôn cùng chồng là người cùng cơ quan. Cả hai cảm mến nhau từ tài năng, họ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ trong công việc và rồi họ nhanh chóng tiến đến hôn nhân. Thời gian đầu, cuộc sống của họ vô cùng hạnh phúc, anh chị cùng nhau gặt hái những thành công trong sự nghiệp. Nhưng đến giai đoạn họ mang cả công việc về nhà thảo luận, rồi tranh luận. Cả hai đều rất tài năng, nên không ai phục ai, tình cảm bắt đầu rạn nứt từ đó.

Dù ở cơ quan hay ở nhà, chị đều dùng khí thế lấn át anh, muốn thể hiện trình độ hơn chồng. Dần dần, mâu thuẫn của vợ chồng anh chị trở nên nghiêm trọng. Có lẽ cả hai gặp nhau suốt ngày, không có khoảng thời gian riêng tư nên làm cho anh cảm thấy chán ngán. Hoặc có lẽ, anh cần sự dịu dàng hơn là sự bản lĩnh ở một người vợ. Thời gian sau, anh ngoại tình cùng một cô bé ngoài ngành. Khác hẳn với chị, cô bé ấy là một nhân viên chăm sóc khách hàng, ngoại hình nhỏ nhắn, giọng nói ngọt ngào.

Khi chuyện anh ngoại tình bị mọi người trong cơ quan phát hiện, chị đã thẳng thừng đề nghị ly hôn. Không phải chị không còn yêu anh nữa, nhưng chị không thể bao dung cho hành động ngoại tình đó. Hơn nữa, chị không đủ tự tin đối diện với đồng nghiệp rằng người phụ nữ tài giỏi, bản lĩnh như chị lại chịu “kiếp chồng chung” hoặc chịu cảnh “thỏa hiệp” trước chồng.

Cả hai nhanh chóng đưa nhau ra tòa. Sau khi ly hôn, chị đã tát anh một cái thật kêu, thay cho sự uất ức thời gian qua. Chị tâm sự với tôi rằng, chị đã nghi ngờ anh ngoại tình từ lâu, nhưng chị không đủ mạnh mẽ để đối diện. Chị không biết phải ứng xử thế nào với đồng nghiệp khi chị “bị cắm sừng”, “bị ruồng bỏ”. Chị yêu anh, nhưng chị không thể mãi chịu đựng được. Khi đồng nghiệp biết được chuyện anh ngoại tình, chị sẽ ly hôn để có thể ngẩng cao đầu.

Giờ đây, anh chị vẫn còn công tác chung một đơn vị, mỗi ngày gặp lại nhau khiến chị thấy ngột ngạt, sự đau đớn, buồn tủi khiến chị ngày càng tiều tụy. Còn anh đối diện với mọi người trong cơ quan với tư cách là một kẻ ngoại tình cũng chẳng thoải mái. Tôi chưa rõ anh chị sẽ có sắp xếp thế nào để trái tim họ được yên bình, nhưng hy vọng rằng họ sẽ hạnh phúc hơn với lựa chọn của mình.

Trong câu chuyện của anh chị, ai cũng có lỗi, nhưng điểm chung của cả hai là thiếu sự thấu hiểu, quá đề cao cái tôi của mình. Phải chi chị dịu dàng hơn, mềm mỏng hơn, tôn trọng anh hơn thì anh cũng không chán ngán để rồi ra ngoài “ăn phở”, cũng không phải “muối mặt” với đồng nghiệp. Còn anh, nếu anh thương chị, muốn cả hai cùng kết duyên bên lâu thì nên tâm sự với chị, giúp chị thay đổi cách ứng xử để cả hai hòa hợp hơn, đằng này, anh lại vứt bỏ vợ để tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài. Ông bà ta quả không sai khi dạy rằng “cơm sôi nhỏ lừa chẳng đời nào khê” – đây là bài học ý nghĩa về cách cư xử đúng mực, khôn ngoan, nghệ thuật giữ lửa gia đình, nhắc nhở chúng ta bài học về chữ “nhẫn” trong cuộc sống hôn nhân.

Trúc Quỳnh (Sài Gòn)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *