1900 6665

CÓ ĐƯỢC LY HÔN KHI VỢ HOẶC CHỒNG VẮNG MẶT?

THỦ TỤC LY HÔN VẮNG MẶT

Có thể thực hiện việc ly hôn khi vắng mặt một bên không? Đây là câu hỏi mà Ly hôn Online thường xuyên nhận được khi giải đáp các câu hỏi về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Hãy cùng tìm câu trả lời cho vấn đề này cùng chúng tôi qua bài viết dưới đây.

TRƯỜNG HỢP LY HÔN THUẬN TÌNH

Căn cứ trình tự, thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì trong phiên họp giải quyết việc dân sự thì vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thuận tình phải tham gia theo giấy triệu tập của Tòa án. Nếu vợ hoặc chồng vắng mặt lần thứ nhất mà không có đơn xin ly hôn vắng mặt thì Tòa án phải hoãn phiên họp. Nếu vợ, chồng có yêu cầu ly hôn đơn phương đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị coi là từ bỏ quyền yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.

Trường hợp vợ, chồng có lý do chính đáng nào đó mà không thể có mặt tại Tòa để giải quyết ly hôn thuận tình thì phải có đơn xin ly hôn vắng mặt được gửi đến Tòa án, khi đó yêu cầu thuận tình ly hôn vẫn được Tòa án chấp nhận và thủ tục ly hôn thuận tình vẫn được diễn ra như bình thường.

Vậy thủ tục ly hôn vắng mặt trong trường hợp ly hôn thuận tình được thực hiện tương tự như thông thường, tuy nhiên, cần phải kèm theo đơn xin ly hôn vắng mặt gửi đến Tòa án có thẩm quyền.

TRƯỜNG HỢP LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG

Trên thực tế, khi ly hôn đơn phương, đối phương thường không hợp tác, cố tình vắng mặt tại phiên tòa để gây khó khăn cho quá trình ly hôn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, nếu nguyên đơn đáp ứng đủ các điều kiện để ly hôn đơn phương thì việc bị đơn cố tình không tham gia phiên họp, phiên tòa theo giấy triệu tập thì thủ tục giải quyết đơn xin ly hôn đơn phương vẫn được diễn ra.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trước khi đưa vụ án ly hôn đơn phương ra xét xử, Tòa án phải tiến hành hòa giải giữa các đương sự. Nếu Tòa án đã triệu tập hợp lệ để tham gia hòa giải đến lần thứ hai mà bị đơn vẫn cố tình vắng mặt thì được xác định thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được. Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.

Việc vắng mặt của chồng/vợ là bị đơn trong vụ án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, nếu bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì phiên tòa vẫn được diễn ra như bình thường. Nếu bị đơn cố tình không tham gia phiên tòa mà không có lý do chính đáng thì vụ án ly hôn được giải quyết như sau:

– Bị đơn vắng mặt lần thứ nhất mà không có lý do chính đáng: Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

– Bị đơn vắng mặt lần thứ hai mà không có lý do chính đáng: Hội đồng xét xử sẽ tiến hành xét xử vắng mặt họ dựa trên các tài liệu, chứng cứ, lời khai mà nguyên đơn cung cấp.

Như vậy, trong trường hợp vợ hoặc chồng là bị đơn trong vụ án ly hôn vắng mặt và không tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án đơn phương ly hôn mà không phụ thuộc vào việc có hay không có sự có mặt của họ.

Vợ, chồng có nhu cầu ly hôn đơn phương cứ thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương như thông thường mà không cần phải lo lằng rằng đối phương vắng mặt tại các buổi làm việc tại Tòa án, theo trình tự sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án;

Bước 2: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ thụ lý và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người nộp đơn, tuy nhiên nếu vụ việc phức tạp thì thời gian có thể lâu hơn.

Bước 3: Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án cấp huyện và nộp lại biên lai nộp tiền cho Tòa án;

Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.

guest
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận