1900 6665

THỦ TỤC THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON

Hỏi:

Tôi và chồng đã ly hôn hơn 5 năm nay, trước đây tôi không có công việc ổn định, trong khi gia đình chồng lại có điều kiện hơn nên con trai 4 tuổi chúng tôi đã thỏa thuận để cho cha bé chăm sóc. Chồng tôi cũng đã cưới vợ mới và họ cũng có con chung. Nay con trai tôi đã 8 tuổi, tôi được biết qua lời kể của hàng xóm thì con tôi thường xuyên bị mẹ kế đánh mắng, cha ruột bé cũng không chăm sóc bé mà chủ yếu do ông bà nội chăm sóc. Nay tôi đã có công việc ổn định, thu nhập hằng tháng khoảng 15 triệu, nhưng nếu so sánh thì kinh tế của tôi không bằng kinh tế của cha cháu bé. Tôi có hỏi ý kiến con trai thì cháu có nguyện vọng được ở cùng tôi, nhưng cha bé thì nhất quyết không đồng ý. Luật sư cho tôi hỏi tôi có khả năng giành lại quyền nuôi con hay không? Thủ tục giành lại quyền nuôi con được thực hiện thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Ly hôn Online.

Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình thì bạn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong các căn cứ sau đây:

– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Hiện tại, chồng cũ của bạn không đồng ý việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con, bạn có thể thực hiện thủ tục khởi kiện tại tòa với lý do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Với câu hỏi của bạn về việc bạn có khả năng giành lại quyền nuôi con hay không? Theo như thông tin bạn cung cấp, cháu bé không nhận được sự chăm sóc, giáo dục từ cha, việc nuôi dưỡng cháu do ông bà nội thực hiện, ngoài ra cháu còn bị mẹ kế đánh đập, với các tình tiết này bạn có khả năng trở thành người trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé. Để Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bạn thì bạn cần thu thập chứng cứ chứng minh rằng cha cháu bé không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con và bạn có đủ điều kiện về vật chất, tinh thần để trực tiếp nuôi con. Ngoài ra, ý kiến của con (từ đủ 07 tuổi trở lên) là căn cứ quan trọng giúp Tòa án giải quyết vụ án.

Như vậy, để việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được diễn ra thuận lợi thì bạn cần chuẩn bị thật kỹ về tài liệu, chứng cứ cũng như lý lẽ, lập luận tại Tòa. Bởi lẽ, tại Tòa, bạn cần chứng minh được yêu cầu khởi kiện của mình, phản bác lập luận của chồng cũ và thuyết phục Hội đồng xét xử.

Do đây là tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con nên hồ sơ khởi kiện được xác định là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng cũ bạn đang sinh sống.

Hồ sơ khởi kiện gồm:

  • Đơn khởi kiện
  • Quyết định/bản án ly hôn trước đây
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của người khởi kiện
  • Bản sao Giấy khai sinh của con
  • Văn bản, tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con

Sau khi nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền thì bạn được Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, sau khi nộp tiền tạm ứng án phi tại chi cục thi hành án thì bạn nộp giấy biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án để vụ án được thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bạn có thể tìm đến luật sư để được hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, cũng như luật sư sẽ tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bạn tại phiên tòa, thay bạn đưa ra những bằng chứng, lý lẽ để thuyết phục Hội đồng xét xử trong việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con.

guest
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận