1900 6665

TỰ THỎA THUẬN QUYỀN NUÔI CON ĐƯỢC KHÔNG?

Hỏi:

Tôi và chồng có hai con chung, một bé 6 tuổi và một bé 4 tuổi. Do xảy ra nhiều chuyện nên vợ chồng tôi muốn ly hôn, chúng tôi có thể tự thỏa thuận xem ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con không? Tại vì từ khi lập gia đình, công việc của tôi là nội trợ, không có thu nhập ổn định, trong khi chồng tôi có thu nhập cao, điều kiện nuôi dạy con cũng tốt hơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi.

Ly hôn không chỉ đơn thuần là chấm dứt quan hê hôn nhân hợp pháp giữa vợ và chồng, mà việc ly hôn còn ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái. Việc nuôi dưỡng con chung là vấn đề được các bậc cha mẹ hết sức quan tâm khi họ quyết định ly hôn. Để con trẻ được phát triển toàn diện không chỉ là mong muốn của các bậc cha mẹ mà còn là sự quan tâm của xã hội, sự điều chỉnh của pháp luật.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật.

Việc xem xét ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung được xác định theo thứ tự như sau:

Thứ nhất, căn cứ vào độ tuổi của con, nếu con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Thứ hai, Tòa án sẽ tôn trọng thỏa thuận của vợ, chồng về người trực tiếp nuôi con, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.

Thứ ba, vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con trên 07 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Do hai con của bạn là 04 tuổi và 06 tuổi nên khi giải quyết việc nuôi con chung thì Tòa án sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng bạn, chỉ khi vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì Tòa án mới căn cứ vào điều kiện của các bên để xác định người có quyền trực tiếp nuôi con.

Là người không trực tiếp nuôi dưỡng con chung thì người cha có quyền, nghĩa vụ sau đây:

– Có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với mẹ.

– Có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nếu hai bên không thể thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở, nếu lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung thì người vợ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người cha.

Tuy nhiên, người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con có thể bị thay đổi nếu:

– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.

– Người trực tiếp nuôi dưỡng con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Vậy có thể yêu cầu người không trực tiếp nuôi dưỡng con thay đổi mức cấp dưỡng không?

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Mức cấp dưỡng có thể thay đổi (tăng, giảm) khi có lý do chính đáng. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì khi có yêu cầu Tòa án sẽ thụ lý giải quyết.

Tóm lại, khi ly hôn, vợ chồng bạn có quyền tự thỏa thuận xem ai là người trực tiếp nuôi con, mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng.

guest
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận