Con cái chính là kết tinh tình yêu của ba mẹ. Các bậc phụ huynh đều mong muốn các con được phát triển khỏe mạnh, toàn diện và đủ đầy. Bởi thế rất nhiều bậc cha mẹ luôn đắn đo với câu hỏi “liệu có nên ly hôn khi cả hai đã có con chung”?
Trong thực tế, có nhiều cặp vợ chồng đã quyết định gửi đơn ly hôn ra tòa, đã nhiều lần quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này nhưng cuối cùng lại vì con mà chấp nhận quay về với nhau. Họ vì con mà bỏ qua cho nhau những lỗi lầm và cùng nhau xây đắp hạnh phúc cho tương lai. Ở một khía cạnh nào đó, con cái thực sự là sợi dây gắn kết cha mẹ lại với nhau.
Việc ly hôn còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, cách cảm nhận và quan điểm của từng người, nhưng nếu mâu thuẫn đã quá trầm trọng thì đừng đem con cái ra để làm lý do ràng buộc bản thân. Chằng đứa trẻ nào có thể vui vẻ, phát triển tốt khi thiếu thốn tình thương, chịu đựng sự mâu thuẫn, thù hằn của bố mẹ. Nếu thực sự vì con cái thì hãy cho chúng thấy bố mẹ hạnh phúc, vẫn tôn trọng nhau ngay cả khi không còn chung một mái nhà. Nếu bọn trẻ thấy được rằng bố mẹ dù không còn là vợ chồng nhưng có thể tìm được hạnh phúc mới, vẫn luôn tôn trọng nhau và đều yêu thương con cái thì đó là một bài học giá trị cho con cái.
Rõ ràng ly hôn là việc gây sang chấn với bất cứ gia đình nào, nhưng việc níu giữ nhau lại trong một mối quan hệ không còn cảm xúc tích cực cũng đem lại điều tương tự. E. Mavis Heatherington, giáo sư danh dự tại Khoa Tâm lý, UVA, cũng là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ly hôn đã nói rằng, ‘Nếu trẻ nhỏ sống với cha mẹ – những người khinh thường lẫn nhau, kể cả khi không cãi vã, mắng chửi mà chỉ giễu cợt và làm bẽ mặt nhau một cách tinh vi, tấn công vào sự tự tôn của nhau, cũng đều là những điều rất tệ.
Cuộc sống hiện đại có rất nhiều áp lực mà gia đình là tổ ấm, là nơi yên bình để giúp bạn cân bằng lại. Nhưng nếu nó không còn êm ấm hay yên bình thì mỗi ngày trôi qua bạn sẽ chỉ sống trong sự dằn vặt, chán chường và mệt mỏi. Và khi cuộc sống mất cân bằng như vậy, bạn có chắc mình sẽ đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con cái hay không?
Hãy để các con được là trẻ con – chúng xứng đáng có tuổi thơ, đồng nghĩa với việc được đi chơi, được đọc truyện, xem phim, được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, được xin không đánh răng (tuy rằng bạn sẽ phải từ chối yêu cầu này)… Đừng bắt con phải chịu đựng nỗi đau từ xung đột của người lớn, phải nghe những câu chuyện, giãi bày, chứng kiến cảm xúc tiêu cực mà bố mẹ dành cho nhau, hoặc vạch ra cho chúng thấy sự chia tách này tổn hại đến chúng ra sao. Hãy ghi nhận sự dũng cảm và khả năng thích nghi của con, ở tiêu chuẩn của một đứa trẻ.
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Có nên vì con mà sống chung sống với chồng hay không?”. Mỗi người sẽ có mỗi lựa chọn và quyết định riêng của mình. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ thật kỹ trước về những mặt lợi và hại trước khi đưa ra sự chọn lựa cuối cùng. Để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất, các cặp vợ chồng cũng nên ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với nhau, suy nghĩ kỹ về mong muốn của chính mình, đồng thời thăm dò ý kiến của con cái để không phải hối hận về việc ra đi hay ở lại.
Trần Huy