1900 6665

CÓ MỘT NỖI ĐAU MANG TÊN “LY HÔN”

CÓ MỘT NỖI ĐAU MANG TÊN “LY HÔN”

Với nhiều người, ly hôn có thể biến nỗi đau thành hạnh phúc. Sau khi trải qua cuộc hôn nhân đẫm nước mắt, tôi cũng cảm thấy mình nhẹ nhõng hơn, nhưng tôi không cảm thấy hạnh phúc. Mọi chuyện đã kết thúc từ 3 năm trước, nhưng nỗi đau ly hôn vẫn còn đó.

Do gia đình không có điều kiện kinh tế nên sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi đã đi làm công nhân tại Sài Gòn để kiếm tiền phụ gia đình. Sau thời gian làm việc, tôi gặp được chồng mình, cũng là công nhân cùng công ty. Có lẽ như bao cặp vợ chồng khác, thời gian đầu sau khi kết hôn, chúng tôi vô cùng hạnh phúc, cùng nhau cố gắng phần đấu cho tương lai. Khi có chút dư dả, chúng tôi quyết định sinh con và sẽ tự nuôi con mà không nhờ sự giúp đỡ của ông bà. Nhờ sự đồng lòng, chăm chỉ mà hai vợ chồng tôi có thể cho con cuộc sống tạm đủ.

Cuộc sống không giàu sang nhưng luôn tràn ngập tiếng cười là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày. Nhưng rồi một ngày, tôi phát hiện chồng mình thay đổi, anh ta chăm chút về ngoại hình và thường xuyên đi chơi cùng bạn bè. Con dần lớn, chi phí sinh hoạt càng nhiều nhưng số tiền anh mang về nhà lại càng ít. Khi kinh tế eo hẹp, cuộc sống của chúng tôi càng thêm ngột ngạt, mâu thuẫn xảy ra ngày càng nhiều. Chồng tôi đã thực sự ngoại tình với một cô gái khác, anh ta bỏ bê vợ con và muốn ly hôn để chạy theo tình mới. Dẫu bản thân cảm thấy bị chà đạp nhưng tôi vẫn không muốn ly hôn, tôi không muốn con mình chịu thiệt thòi và hơn nữa, ở đất Sài Gòn này, tôi không thể tự mình nuôi con. Để ép buộc tôi ly hôn, anh ta thường về khuya với tình trạng say xỉn, giở thói hành hạ vợ con. Sau thời gian dài bị tra tấn về thể xác lẫn tinh thần thì tôi nghĩ, có lẽ tôi cần mạnh mẽ để kết thúc cuộc hôn nhân vật vã này.

Tôi đã xin nghỉ việc và dẫn con về quê sống cùng cha mẹ của mình, vì chi phí sinh hoạt ở vùng quê cũng dễ chịu hơn so với nơi Sài Gòn hoa lệ. Cha mẹ tôi đã rất buồn vì con mình đã có một cuộc hôn nhân dang dở, lại trở thành mẹ đơn thân, điều này là chưa từng xảy ra trong dòng họ của tôi. Nhưng vì thương con, cha mẹ đã dang rộng vòng tay đón tôi trở về nhà.

Ngày tôi gói ghém đồ đạc, dẫn theo đứa con nhỏ về quê, biết bao cặp mắt của hàng xóm nhìn tôi, họ xì xào bàn tán. Đâu đó, tôi nghe được những lời xuýt xoa an ủi, có những tiếng cười chê khiến tôi hụt hẫng trong lòng. Khi hôn nhân tan vỡ, chắc chắn chẳng ai mong muốn thế, nhưng tôi tin rằng lựa chọn của mình là đúng. Tại sao định kiến xã hội vẫn còn nhìn nhận về việc ly hôn một cách tiêu cực như thế, điều đó vô tình làm tổn thương những người trong cuộc. Thay vì chỉ trích, cười chê, mong rằng mọi người hãy dành sự đồng cảm cho những người đổ vỡ trong hôn nhân, hơn ai hết, họ có một vết thương khó lành.

Tôi đã cố gắng rất nhiều để vượt qua những định kiến xã hội, những lời chê cười của những người xung quanh để phấn đầu làm việc, tôi cũng cố gắng gạt bỏ những suy nghĩ về gã đàn ông bội bạc kia ra khỏi đầu. Nhờ chăm chỉ, siêng năng và nhờ sự giúp đỡ của ông bà ngoại, cuộc sống của mẹ con tôi cũng ổn định và đủ đủ hơn. Nhưng sau mọi chuyện, trái tim tôi vẫn thấy nhói đau, tôi chưa cảm thấy thực sự hạnh phúc, có lẽ mãi về sau, tôi chẳng thể nào quên khuất nỗi đau ngày ấy.

Trúc Diệp (Trà Vinh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *