1900 6665

KHI LY HÔN, TRÔNG NHAU THẬT “XẤU XÍ”

KHI LY HÔN, TRÔNG NHAU THẬT “XẤU XÍ”

Đến với nhau vì tình yêu, chia tay nhau vì mâu thuẫn. Khi ly hôn, người ta thường kể hết những điều sai trái của đối phương, không chỉ để phục vụ công tác xét xử của Tòa án mà còn để giải tỏa nỗi uất ức trong thời gian qua.

Có những cặp vợ chồng đồng thuận ly hôn, họ đã hóa giải được các mâu thuẫn và đưa ra được quyết định dứt khoát. Cũng có những cặp vợ chồng không còn yêu lại, lại rơi vào mâu thuẫn trầm trọng, tranh chấp về con chung, tài sản chung, khiến họ trở nên rối trí, đẩy quan hệ của cả hai xuống vực thẩm. Những lúc này, Tòa án sẽ là cơ quan “trọng tài” dùng pháp luật và các chuẩn mực xã hội để giải quyết thay các cặp vợ chồng. Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, Tòa án cần phải tìm hiểu về lý do ly hôn, lỗi dẫn đến việc ly hôn, điều kiện kinh tế, phẩm chất đạo đức của mỗi người để có phán quyết phù hợp về việc chia tài sản chung, quyết định ai là người có quyền trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng thế nào. Thế là các cặp vợ chồng từng mặn nồng không còn nhớ đến điểm tốt của nhau, chỉ lôi các khuyết điểm của nhau ra để hạ bệ đối phương. Nào là cô ấy ghen tuông mù quáng, thường xuyên tự ý bỏ về nhà mẹ đẻ, cô ấy ham mê cờ bạc, không biết chăm lo cho chồng con, mọi chi phí trong nhà đều do một mình tôi phụ trách,… Còn các cô vợ thì sụt sùi rằng chồng tôi có thói vũ phu, ăn nhậu vào là đánh đập vợ con, suốt ngày không làm ra tiền, anh ta ngoại tình còn có con riêng, anh ta không yêu thương con cái,… Đó cũng là những tâm sự họ chất chứa từ lâu, nay có dịp giãi bày.

Ly hôn thường đi kèm với những cảm xúc mất mát và đau đớn. Trong quá trình giải quyết tình cảm này, người ta có thể trải qua giai đoạn tổn thương, tức giận và muốn xả toàn bộ cảm xúc này ra bên ngoài. Việc kể xấu người kia có thể là một cách để giảm bớt đau đớn và chấp nhận mình. Một số người, sau khi ly hôn, có thể cảm thấy tự ái bị tổn thương. Để bảo vệ hình ảnh của bản thân, họ có thể lựa chọn kể xấu về người cũ, đặt mình vào tình thế lợi. Ngoài ra, việc làm nhau xấu xí còn có thể xuất phát từ sự ghen tị và ganh đua, từ trạng thái tâm lý bất ổn của các cặp vợ chồng.

Chỉ người trong cuộc mới có thể biết được sự thật khách quan, không ai có thể cảm nhận được tâm lý và cảm xúc của họ, nên việc họ có phản ứng tiêu cực khi ly hôn là điều khó tránh khỏi, vì thế, chúng ta cũng không thể trách họ được. Nhưng con người ta lạ lắm, nếu đối diện “sinh ly tử biệt” thì con người ta luôn ngập trong hối hận, chỉ mãi nhớ về những điểm tốt của đối phương, luôn tự trách bản thân mình sao không khoan dung với họ nhiều hơn nữa.

Thế nên, chúng ta hãy học cách tha thứ, đây là một quá trình quan trọng trong việc làm sáng tạo lại cuộc sống sau ly hôn. Tha thứ không phải là việc quên bỏ hoặc xóa nhòa mọi điều xấu xí, mà là khả năng chấp nhận và giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc của quá khứ. Việc này không chỉ mang lại sự giải thoát tinh thần mà còn giúp tạo ra một nền tảng cho sự phục hồi và phát triển tích cực trong tương lai.

Và nếu đã quyết định ly hôn thì hãy làm cho cuộc sống sau ly hôn trở nên hạnh phúc và ý nghĩa, đừng để những cảm xúc tiêu cực ám ảnh lấy cuộc sống của bạn. Nếu được, hãy giữ những hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí thôi bạn nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *