1900 6665

TRANH CHẤP TÀI SẢN SAU LY HÔN

Sau khi được Tòa án giải quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật thì vẫn có nhiều trường hợp hai bên vợ chồng đã ly hôn lại phát sinh tranh chấp trong thời kỳ hôn nhân.

Tại sao vẫn có trường hợp vợ, chồng đã chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp tại Tòa án nhưng lại phát sinh tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn?

Phần lớn các tranh chấp tài sản sau ly hôn xuất phát từ việc vợ chồng thuận tình ly hôn và chủ động yêu cầu Tòa án không giải quyết quan hệ tài sản, họ chủ động thỏa thuận phân chia tài sản để nhanh chóng chấm dứt quan hệ hôn nhân hay vì lý do né tránh án phí. Tuy nhiên, việc thỏa thuận tài sản phân chia tài sản khi ly hôn đa phần được trao đổi bằng lời nói mà không được lập thành văn bản, không có giá trị pháp lý, các bên có thể không thực hiện, không tuân thủ dẫn đến tranh chấp tài sản sau khi đã chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Ngoài ra, tranh chấp tài sản sau ly hôn còn xuất phát từ những người vợ, chồng đơn phương ly hôn, muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân trước nên chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn, vấn đề chia tài sản chung sẽ được họ tự giải quyết hoặc chủ động yêu cầu Tòa án giải quyết ở một phiên tòa khác.

Cách giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn là gì?

– Hai người có tranh chấp về tài sản sau ly hôn có thể tự thỏa thuận hoặc nhờ gia đình, bạn bè, luật sư can thiệp hòa giải giải quyết mà không cần đến Tòa án, nhưng văn bản thỏa thuận cần phải được đảm bảo về mặt hình thức để có giá trị pháp lý, giá trị thực hiện cho các bên.

– Khởi kiện phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn: Một trong hai bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để nhờ Tòa án can thiệp, giải quyết theo quy định của pháp luật. Người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết, sau khi thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo nguyên tắc chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau để xác định tỷ lệ tài sản mà mỗi bên được nhận:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Khi tiến hành ly hôn, dù thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn thì mỗi bên cần có sự chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng để việc ly hôn được diễn ra nhanh chóng và tránh tốn thời gian, chi phí cho một cuộc tranh chấp tài sản sau ly hôn.

guest
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận